Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2010

Dạy con trẻ nói dối

Đắn đo mãi cuối cùng tôi cũng mua cho con gái 12 tuổi của mình chiếc điện thoại di động với sim thuê bao trả sau Mobigold, dù rằng tôi chẳng hề thích trẻ con sử dụng điện thoại di động. Vậy là tôi trở thành người cha dạy con mình nói dối với nhà trường, với thầy cô giáo nơi cháu đang học.

Trường nơi con bé nhà tôi học cấm học sinh sử dụng điện thoại di động khi đi học. Theo lời con gái tôi thì nhà trường phát hiện được sẽ tịch thu ngay cho dù dùng điện thoại trong lớp hay bên ngoài cổng trường. Nhưng tôi không thể không mua cho con bé chiếc điện thoại khi mà thời gian biểu đón cháu thay đổi xoành xoạch, rồi đường phố lại thường xuyên diễn ra cảnh kẹt xe, ùn tắc giao thông.

Cháu học bán trú và thường ra về vào 4 giờ 45 phút chiều nhưng đôi khi, do kẹt xe, nên dù chạy tới cách trường chỉ còn vài trăm mét mà mấy cái lô cốt đã khiến cho tôi mất 30 phút mới tới được trường, thành ra cháu phải chờ đợi. Nếu không có cái điện thoại thì con bé phải mỏi cổ chờ trông. Rồi nhiều khi nhà trường thay đổi tiết học, thế là cháu ra về sớm, nếu không có điện thoại báo cho biết thì tôi làm sao đón được đây?

Hồi cấp 1, trường con bé học có lẽ hiểu chuyện này nên hợp tác với viễn thông lắp một cabin điện thoại công cộng dùng tiền cắc. Nhưng con bé kể, cả trường mà chỉ 1 cái điện thoại công cộng nên khi cần điện thoại cho tôi, cháu phải xếp hàng khá lâu. Bây giờ trường cấp 2 nơi cháu học chẳng hề có cabin điện thoại như trước nữa.

Mỗi lần ra khỏi lớp học, ra về cháu phải đi bộ cách trường vài chục mét mới dám lấy điện thoại ra điện thoại cho tôi, vì nếu không, thầy giám thị phát hiện được sẽ tịch thu. Nhiều bạn cháu đã bị như vậy. Khi sắm điện thoại cho cháu, tôi cứ ngỡ chỉ có mình mới làm vậy, ai dè cháu kể bạn bè cháu ai cũng có điện thoại để điện cho ba mẹ, anh chị tới đón và cũng đều dối thầy cô như cháu, khi học trong lớp thì tắt điện thoại, ra về đi thật xa khỏi cổng trường mới dám điện thoại.

Nghĩ lại cũng buồn, khi mình là cha mẹ lại đi dạy con cái của mình nói dối, dùng điện thoại thì bảo với thầy cô là không. Nhưng tôi càng buồn hơn khi nghĩ về ngành giáo dục và giao thông công chánh.

Đường sá bây giờ quá đông đúc, trở nên chật chội, ít ai dám để con cái mình tự đi bộ tới trường hay đi xe đạp tới trường như trước, ngoại trừ các cháu lớp lớn và nhà gần trường.

Mà cũng kỳ, xã hội thay đổi nhanh chóng, nhịp sống tất bật, hối hả nhưng dường như nhà trường, ngành giáo dục lại tư duy theo kiểu cũ thì phải. Họ tư duy y chang như thời bao cấp hay giáo dục ở nông thôn, tỉnh lẻ. Thời thành phố còn trống vắng hay ở nông thôn, phần đông học sinh tự đi học, cha mẹ chỉ đón đưa các cháu quá nhỏ, còn bây giờ, chục học sinh cấp 2 trở xuống thì tới 7-8 cháu đi học do cha mẹ đưa đón. Thế nhưng ngành giáo dục lại có vẻ ít quan tâm tới điều này, thể hiện qua lịch học thay đổi liên tục, lúc thì ra về 4 giờ, lúc thì 5 giờ chiều. Có khi học sinh gần như nghỉ cả ngày, chỉ đi học có 1-2 tiết thể dục, vẫn phải có cha mẹ tranh thủ nghỉ làm, bỏ công sở đón đưa con tới trường.

Quan sát con tôi đi học, tôi có cảm tưởng nhà trường cứ nghĩ nhà học sinh ở cách trường tầm 1 km trở lại và tự đi bộ đến trường thì phải, hoặc nhà phụ huynh có một người nghỉ làm chuyên đưa đón con cái đi học, nên lắm lúc bố trí tiết học chẳng giống ai.

Nghĩ vậy nên tôi cũng nhắm mắt làm liều sắm cho con cái điện thoại, dù rằng điều đó là dạy cho con mình nói dối.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét