Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2010

Nhà vệ sinh và tầm nhìn nghành đường sắt

Xin quý khách kéo tấm lưới bảo hiểm chống ném đá xuống khi tàu chạy. Tôi không thuộc nguyên văn nhưng đại loại nó có nội dung như vậy và thường gắn tấm biển ở các toa tàu ghế ngồi cứng trong các chuyến tàu lửa mà tôi đã đi.
 
Tấm lưới đó và tấm biển nhắc nhở nhằm bảo vệ cho hành khách đi tàu khỏi phải bị tai nạn bởi các trường hợp người dân hay trẻ con hai bên đường sắt ném đá lên tàu khi tàu chạy. Tình trạng trẻ con hay người dân ném đá lên tàu đã xảy ra bao nhiêu năm qua, nhiều trường hợp kẻ ném đá phải ra tòa hình sự, nhiều hành khách bị thương tật, ngành đường sắt thì bị thiệt hại.
 
Và cũng trong bao năm qua, ngành đường sắt phối hợp với công an và chính quyền địa phương tốn bao công sức tuyên truyền người dân sống hai bên đường tàu nhưng xem ra, tình trạng ném đá lên tàu vẫn chưa chấm dứt, dù rằng ai cũng biết nguyên nhân chính của nó. Đó là cái nhà vệ sinh trên tàu.
 
Tôi đoan chắc rằng nếu tấm biển nhắc nhở nói trên mà in thêm bằng tiếng Anh thì chắc khách nước ngoài đi tàu khó lòng hiểu lý do tại sao có tấm biển lạ đời như vậy. 
 
Tôi là người thường đi tàu, từ cái thời là sinh viên ở quê lên thành phố học đại học, nhà cách trường tới 500 km và nay, tôi sống và làm việc cũng cách quê khoảng cách tương tự, nên thời sinh viên, rồi bây giờ, tàu lửa là phương tiện mà tôi dùng khi về quê dịp hè, tết, ngày giỗ, cưới của gia đình.
 
Có lẽ thường xuyên đi tàu lửa cùng với sở thích cá nhân mà bây giờ, gần như tôi trở thành người nghiện tiếng tàu lửa, thèm được ghe tiếng tàu xình xịch lao vun vút trong đêm, tiếng xé gió của nó khi băng nhanh qua đồng trống, tiếng rít khi đứng ở đầu nối của hai toa tàu khi tàu chạy nhanh. Nhưng càng nghiện tiếng tàu lửa, xem đi tàu như một niềm vui, sở thích cá nhân thì tôi càng buồn bấy nhiêu cho ngành đường sắt.
 
Hồi sinh viên, tàu nhếch nhác, bẩn thỉu và mỗi khi đi tàu, tôi bước chân vào nhà vệ sinh giống như bước vào nơi chịu cực hình, bởi nhà vệ sinh thải trực tiếp xuống đường ray, nên nhà tàu chỉ mở cửa nhà vệ sinh khi tàu chạy, còn khi tàu dừng ở ga, nhân viên toa tàu khóa cửa nhà vệ sinh lại.
 
Hơn hai mươi năm sau, những đoàn tàu đã khác, tàu có ghế mềm, có máy lạnh, có giường nệm, thậm chí nhiều đoàn tàu phục vụ khách du lịch, toa tàu giường nằm có khi trang trí nội thất bên trong buồng ngủ chẳng khác gì phòng khách sạn. Đôi lúc còn có điện thoại nội bộ, có màn hình ti vi ngay trong buồng của toa giường nằm. Nhà vệ sinh thì khỏi nói, có tàu thì ốp gạch men bóng loáng, có lavabo sạch sẽ, càng làm cho tôi thích đi tàu nhiều hơn.
 
Thế nhưng, chất thải từ nhà vệ sinh thì vẫn như cũ, vẫn thải trực tiếp xuống đường tàu khi tàu chạy. Tôi không thể hiểu tại sao ngành đường sắt phát triển mạnh hơn hai chục năm qua, nghĩ ra nhiều chiêu hay, hấp dẫn khách đi tàu, cải tiến nhiều thứ và nói chung là hiện đại hơn trước rất nhiều. Vậy mà chỉ riêng chất thải của nhà vệ sinh thì không, vẫn trực tiếp thải xuống đường ray.
 
Mấy hôm nay, trên báo chí lẫn trong nghị trường, người ta nói nhiều tới “siêu” dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam hàng chục tỉ đô la, nghe qua hiện đại chẳng kém gì đường sắt cao tốc ở Nhật (nơi Việt Nam tính mua công nghệ), vậy mà hàng ngày, các đoàn tàu lửa vẫn cứ vô tư cho chất thải chảy trực tiếp xuống đường ray.
 
Tôi không quan tâm nhiều lắm tới chuyện đường sắt cao tốc chạy nhanh cỡ nào, tốn bao nhiêu tiền, hiện đại ra sao, mà tôi chỉ mong ngành đường sắt trước khi nhìn xa hàng chục hay hàng trăm năm sau cho công tác hiện đại hóa giao thông nước nhà, hãy nhìn lại các nhà vệ sinh trên các đoàn tàu của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét